Chuyện một người thầy dạy nghề điện lạnh

Chuyện ghi trong lớp học nghề điện lạnh thầy Võ

Lớp học điện lạnh của thầy Vũ Văn Võ, Trung tâm dạy nghề Võ Hà nằm ngay đê sông Đuống bắt đầu mở lại vào ngày 16, ngay sau rằm tháng Giêng. Đầy đủ 16 thành viên có mặt, họ là các học viên từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã gác lại hội xuân để chuẩn bị đón một mùa làm nghề và quan trọng hơn, họ trong danh sách trúng tuyển đã xếp hàng chờ đợi từ lâu.

Mai Văn Tài, sinh năm 1992 quê ở Hải Hậu, Nam Định đã đăng ký theo học từ cách đây mấy tháng. Có trong danh sách gọi nhập học ngay đầu xuân được coi như may mắn với cậu thợ trẻ này. Tài đang làm chủ một xưởng riêng ở Hải Hậu, tay nghề cứng, thu nhập từ nghề đã ổn định nhưng cậu chưa bao giờ bằng lòng với kiến thức đã học, đã kinh qua thực tế và vẫn luôn cảm giác về một sự thiêu thiếu cần bù đắp hay một sự bài bản để tự tin làm nghề.

“Ở nhà em từng đi lắp điều hòa thì thấy kiến thức chưa đủ sâu rộng, em muốn nghề nghiệp vững hơn, em quyết định đi học để nâng cao hẳn tầm lên so với thợ đang ở vùng mình đang sống để làm được những phần việc thợ khác không làm được… học xong khóa này khoảng độ 45 ngày thì cũng rơi vào mùa điều hòa, em nghĩ mình có thể tự tin đi làm”, Tài chia sẻ.

Những học viên khóa học mùa xuân sẵn sàng đón mùa hè, mùa làm nghề của ngành điện lạnh

Vì đã trực tiếp làm nghề, luôn đam mê tìm tòi, nghiên cứu, Tài cực kỳ khó tính trong chọn thầy học nâng cao tay nghề. Đó phải là người “thực chiến” trong lĩnh vực công nghệ điện lạnh dân dụng. Những kỹ thuật bậc cao hay cả những bí quyết làm nghề thầy Võ không ngại chia sẻ trên các video đăng tải đã từng khiến cậu thợ yêu nghề Mai Văn Tài say sưa xem đi xem lại và rồi tự mày mò thử sai trên thực tế. Kết quả từ hướng dẫn chỉ mới ở hình thức online đã đem đến những sản phẩm sau sửa đạt tiêu chí “Nhanh, tốt, rẻ và quan trọng nhất là bền”.

Sau 5 năm học theo dõi các video của thầy Võ trên Youtube, Tài khăn gói lên Hà Nội học trực tiếp để có cơ hội hỏi đáp, khắc sâu hơn kiến thức đã tích lũy cũng như để được gặp “thần tượng nghề”.

Anh Đinh Xuân Thủy, quê Bắc Ninh cũng chờ đợi khá lâu để trở thành học viên khóa học này. Gắn bó nhiều năm với lĩnh vực điện công nghiệp, anh Xuân Thủy quyết định học thêm nghề điện lạnh vừa hợp với sở thích vừa mở rộng việc làm.

“Trong khối ngành kỹ thuật, thực ra tôi nghe về thầy Võ từ lâu rồi và cũng có may mắn được trở thành học viên khóa này. Tôi phải gọi hình thức dạy của thầy là truyền nghề bởi các tình huống sát thực tế, giải quyết vấn đề triệt để và đảm bảo chất lượng thiết bị”, anh Xuân Thủy nhận xét.

Học viên thực học, thực làm

Làm giảng viên trường Cao đẳng Công trình đô thị, không ai nghĩ thầy Nguyễn Trọng Chính đến một trung tâm dạy nghề Võ Hà để…học nghề. Lý do là kiến thức nghề ở đây tổng hòa giữa thực tế và tri thức từ nghiên cứu. Làm giáo viên, trực tiếp giảng dạy, đến lớp học thầy Võ, thầy Trọng Chính học thêm phương pháp truyền nghề bằng cách cầm tay chỉ việc, sát đến từng học viên và quan trọng nữa ở việc luôn hỏi đáp, tìm ra những vướng mắc mà đôi khi vì nhiều lý do, người học ngại chia sẻ.

“Học không bao giờ là hết” được coi như động lực để thầy Trọng Chính thu xếp việc, đến lớp thầy Võ chăm chú ghi chép, hỏi đáp, tháo lắp. Điện lạnh dân dụng thay đổi công nghệ từng ngày, việc thầy Võ sẵn sàng “mổ banh” những sản phẩm công nghệ mới để nghiên cứu cập nhật kiến thức cũng như dùng làm giáo cụ cho học viên theo thầy Trọng Chính là điểm mạnh hiếm có.

“Truyền nghề như làm việc thiện”

Hơn 20 năm trước, vào thời hoàng kim của xe máy, giá trị một chiếc xe tương đương một khối tài sản lớn. Thời đó, phần lớn mọi người chọn mua và sử dụng “xe bãi” đã qua sử dụng. Thầy Vũ Văn Võ khi ấy, bằng kiến thức kỹ thuật vốn có cộng thêm đam mê đã nhận sửa chữa, đại tu những xe gặp trục trặc, hỏng hóc. Tự học, tự làm, tự mày mò và lại cực kỳ cẩn thận, chi tiết, công việc ở xưởng sửa xe máy đem lại mức thu nhập tốt và ổn định.

Nhưng là người thức thời, ngay khi xe máy trở thành phương tiện phổ thông, thầy Võ đóng cửa xưởng để chuyển sang kinh doanh, sửa chữa thiết bị điện lạnh gia dụng vẫn bắt đầu bằng phương thức: đam mê kĩ thuật, tự mày mò học hỏi không ngừng. Việc trở thành giáo viên dạy nghề đến với thầy Võ vốn không có trong dự định.

“Vợ mình bảo những kiến thức anh có được trong làm nghề cần được chia sẻ, giống như một cách làm việc tốt, việc thiện cho xã hội. Bản thân tôi khi quan sát thấy các anh em thợ làm ngoài nhiều năm, mải mê không cập nhật công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu công việc không cao, vì thiếu hiểu biết làm hỏng trang thiết bị của người sử dụng. Các hãng công nghệ phát triển công nghệ mới liên tục, trách nhiệm người thợ cũng phải không ngừng tìm hiểu và cập nhật. Đây là những động lực để tôi chuyển sang làm công việc truyền nghề. Truyền nghề chứ không phải dạy vì học viên tôi nhận rất ít, thu nhập đủ cho cuộc sống để tiếp tục công việc mình đã chọn”, thầy Võ chia sẻ.

Từ lý do này, tất cả học viên từng học thầy Võ hằng năm đều có buổi tập huấn miễn phí cập nhật công nghệ mới để luôn làm công việc một cách tốt nhất, chuẩn xác nhất.

Thầy Vũ Văn Võ trong một giờ giảng lý thuyết

Truyền nghề theo quan điểm của thầy Vũ Văn Võ không được phép là lý thuyết suông, thầy nói trò nghe hoặc ghi chép. Học viên buộc phải tự thao tác trên thiết bị. 16 học viên thường chia theo nhóm. Từ thiết bị với những lỗi có thể gặp trên thực tế, các thành viên trong nhóm sẽ trao đổi, thống nhất và đưa phương án xử lý. Thầy Võ khi đó sẽ ở vị trí hướng dẫn. Để có thể từ đây, một phương án mới hợp lý hơn sẽ bất ngờ xuất hiện.

Để làm nghề, học viên không chỉ “ngắm” thầy làm mà phải trực tiếp xử lý vấn đề trên thiết bị

“Học viên học không có vùng cấm, dạy ở dạng mở để anh em không bị đóng đinh trong giáo án, anh em đưa vấn đề ra cùng mổ xẻ, mở rộng ra hoặc trong quá trình giảng dạy mình cần bổ sung, sửa giáo án. Suốt quá trình 25 năm truyền nghề, giáo án của tôi không cái nào giống nhau”, thầy Võ khẳng định.

Để làm được điều không giống bất kỳ trường nghề hay giáo viên nghề nào làm được, thầy Võ vẫn tự học tập nâng cao kiến thức và cập nhật công nghệ mỗi ngày.

Trong đào tạo nghề cần những mô hình, máy móc hỗ trợ cho học viên. Và ngoài việc bỏ tiền mua thiết bị nghiên cứu, thầy Võ sẽ tự mày mò, phát minh ra thiết bị để học viên vào xưởng được thực học thực làm.

Từng trực tiếp làm nghề, thầy Võ hiểu hết những mẹo mực, những góc khuất của nghề điện lạnh dân dụng. Nhưng với học viên của mình, thầy luôn truyền quan điểm: chỉ giỏi nghề, trung thực và đam mê công việc mới có thể tiến xa và làm nghề bền. Giấu dốt hay sử dụng những chiêu trò lừa khách hàng chỉ bởi nguồn lợi trước mắt là điều thầy Võ “cấm” học viên dù chỉ trong suy nghĩ.

“Từ kinh nghiệm của chính mình, tôi hướng dẫn học viên cả kĩ năng tiếp xúc khách hàng. Phải luôn tâm niệm khách hàng là thượng đế, chăm sóc và quan tâm đến họ. Trong ngành điện lạnh, chỉ trong 24h khi thiết bị hỏng hóc mà thợ không đến sẽ khiến cuộc sống của khách hàng đảo lộn và gặp khó khăn. Ví dụ như họ đang có con nhỏ, đang quá nóng bức…Và như vậy đã là làm tổn thương khách hàng”, thầy Võ chia sẻ.

Thực tiễn luôn là yếu tố quyết định thành công của người thợ nghề.

Ngoài việc học được kỹ thuật, kỷ luật nghề, sự khắt khe trong yêu cầu với thiết bị thì niềm đam mê cùng tinh thần sáng tạo trong làm nghề chính là điều quan trọng nhất thầy Võ truyền cho học viên của mình. Tất cả học viên khi đến đều được học trong 3 ngày. Nếu nhận thấy học viên chưa đủ đam mê, thiếu khả năng với lĩnh vực kỹ thuật và điện lạnh không phải công việc phù hợp, thầy Võ sẽ dừng quá trình học, trả lại học phí và thậm chí tài trợ kinh phí đi lại. Còn những học viên đã ra trường, hành trình làm nghề của họ vẫn có thầy theo sát, sẵn sàng trao đổi các tình huống gặp phải trong thực tế làm nghề thông qua nhiều phương thức kết nối.

Mời các bạn nhấn nút nghe câu chuyện về người thầy điện lạnh Vũ Văn Võ:

Nguồn: VOV2

Related Posts